Kinh tế Điện_Bàn

Điện Bàn là thị xã của tỉnh Quảng Nam, với khu vực phường Vĩnh Điện (trung tâm thị xã) sầm uất, với khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Trong những năm trở lại đây, kinh tế - xã hội Điện Bàn đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc. Vì vậy, việc xây dựng Điện Bàn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn với các chức năng cơ bản là một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịchdịch vụ của Bắc Quảng Nam; trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dụcđào tạo của khu vực là tất yếu khách quan nhằm tranh thủ thời cơ và khai thác lợi thế vốn có của huyện.

Thị xã Điện Bàn có nhiều làng nghề nổi tiếng. Xã Điện Phương có nghề đúc đồng Phước Kiều, gỗ mỹ nghệ truyền thống Nguyễn Văn Tiếp, bánh tráng Phú Triêm... Nghề trồng dâu nuôi tằm cùng với việc trồng thuốc lá ở các xã thuộc khu vực Gò Nổi vì đất bồi rất phì nhiêu do lũ lụt đem đến.

Bưu điện Trung tâm

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ 2007-2009, Điện Bàn đã phát triển khá cao ở ngành công nghiệp và dịch vụ, làm cơ cấu kinh tế chuyển đổi nhanh theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp (74-17-9%). Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn bình quân hằng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Riêng vốn ngân sách thị xã đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006- 2009 đã là 255 tỷ đồng. Nhiều khu đô thị mới như: Điện Nam - Điện Ngọc, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, phường Vĩnh Điện (trung tâm thị xã) và các khu dân cư... được đầu tư đúng mức.

Đặc biệt Điện Bàn đã phát triển được 10 cụm công nghiệp, thương mại và dịch vụ (Cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 và 2, Cẩm Sơn, An Lưu, Thương Tín 1 và 2, Nam Dương, Bồ Mưng, Vân Ly, Bích Bắc). Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp Trảng Nhật 2, An Lưu... cơ bản hoàn thành. Tính đến nay, đã có 50 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng mức vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng, trong đó 30 đơn vị đã đi vào sản xuất giải quyết được hơn 3.000 lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định. Cùng với tuyến đường ĐT603A đã hoàn thành, các khu du lịch ven biển Điện Dương-Điện Ngọc, khu du lịch sinh thái Bồ Bồ, bãi tắm Hà My đã có 15 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư là 550 tỷ đồng và 1.132 triệu USD.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của thị xã còn thấp, lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ nhỏ trong các doanh nghiệp. Đặc biệt là môi trường tự nhiên ngày càng ô nhiễm bởi rác thải từ các khu công nghiệp, du lịch, dân cư chưa được giải quyết triệt để. Cùng với đó là nạn khai thác trái phép cát lòng sông và tàn phá rừng đầu nguồn; tình trạng sạt lở, cuốn trôi, bồi cát tại khu vực ven sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân các xã Điện Hồng, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong... Kinh tế hộ sản xuất nhỏ, manh mún, không thích ứng được với sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường...

Trong xu thế phát triển chung, tuy có nhiều khó khăn thách thức nhưng với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, vì vậy Điện Bàn vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực của khu vực Bắc Quảng Nam.

Hiện nay thị xã Điện Bàn đang triển khai xây dựng khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc nằm trên địa bàn các phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Ngọc.